VÌ SAO LÀM SALES THƯỜNG BỊ KHINH?

    

Đầu tiên, Nhung muốn tri ân bạn đã ủng hộ chiếc blog này của mình. Cảm ơn bạn đã nhấp vào chiếc blog này. Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc blog.

1. Câu chuyện Nhung đã trải nghiệm

    Trong một lần họp lớp cấp 2, một cậu bạn trong lớp hỏi mình "Nhung bây giờ làm gì rồi." Mình trả lời "Nhung làm chuyên viên tư vấn du học". Bạn liền đáp "Ủa là làm gì?". Mình không cần nghĩ nhiều đáp "Nhung làm hồ sơ cho mấy bạn học sinh đi du học ở mấy nước Canada, Anh, Mỹ, Úc,.. Giới thiệu cho các bạn biết trường nào phù hợp, nên học ở nước nào, thủ tục hồ sơ như thế nào, mần sao, nói chung nhiều cái lắm thì Nhung làm hết luôn." Bạn tui tặc lưỡi đáp "À kiểu như tụi môi giới giữa trường với khách hàng." Không biết do Nhung nhạy cảm quá hay sao, mà Nhung đã liệt kê kiểu nói chuyện này phải được vào bài blog này.

    Một lần khác, mẹ Nhung đi gặp bạn bè. Một cô rất thân với mẹ tôi hỏi "Cháu Nhung bây giờ làm gì rồi chị?". Mẹ Nhung tự hào đáp "Giờ Nhung nó làm bên công ty tư vấn du học" Cô đó đáp ngay với mẹ Nhung "Trời, đang đi dạy tiếng Anh tốt vậy, sao không đi dạy nữa, làm ba cái tư vấn đó cực lắm đúng không? Suốt ngày cứ phải gọi chèo kéo mà còn đang dịch dã thế này, ai mà làm hồ sơ du học nữa chứ."

    Hay một lần khác thì Nhung không còn là "nạn nhân" mà trở thành "nhân chứng". Đám bạn nói "Trời con T. ấy nó học tốt như vậy ngày xưa toàn nhất lớp mà giờ đi làm sales hả? Uổng quá dọ trời." Thành thật thì Nhung cũng chưa hiểu lắm vì sao lại uổng.

2. Vì sao mọi người có cái nhìn ác cảm với sales

    Hồi đầu, mình nghĩ mãi "Ơ, làm sales thì có gì mà mọi người "khinh" thế nhỉ?". Sau này, Nhung dần dần hiểu ra. Nhiều người nghe đến sales là hình dung ngay những người gọi điện thoại chèo kéo ỉ ôi. Đúng là có một số sales (có thể do chính sách công ty) lạm dụng việc telesales (gọi điện thoại bán hàng). Việc này gây khó chịu cho khách hàng không có nhu cầu.

    Hơn nữa, rất nhiều thông tin tuyển dụng sales theo kiểu "chỉ cần tốt nghiệp cấp 3, có khả năng giao tiếp tốt". Vô hình chung làm nhiều người nghĩ rằng làm sales không cần học quá nhiều. Nên một số người phán xét ai làm sales thì học vấn thấp.

Và cuối cùng là thái độ bán hàng của một số sales (Nhung cũng xin nhấn mạnh là một số sales thôi!). Trưa nay đang say giấc nồng, một bạn gọi mình "Em bên công ty chứng khoán X. Chị có Zalo không em gửi chị thông tin." Nhung đáp "Nhung không có...". Chưa kịp nói dứt câu thì bạn sales này đã cúp cái rụp, không hề nói gì. Cuộc nói chuyện 34 giây này làm mình vô cùng khó chịu.



3. Nghề sales có thật sự đáng bị xem thường?

Trước nhất, bản chất của nghề sales không hề xấu. Không có bất kỳ công việc nào đáng bị xem thường hay đáng xấu hổ nếu đó là lao động chân chính với thái độ lao động đúng đắn. Chỉ có con người làm cho chính họ đáng xấu hổ. Là một người có tư duy phản biện, chúng ta phải nhận thức rõ không phải tất cả các sales đều là chèo kéo, học thức kém và thái độ ngông cuồng.

Nếu bạn xem thường những người “sales” thì bạn đang tự xem thường chính mình. Vì sao Nhung lại nói vậy? Vì tất cả chúng ta đều là sales. Ngay cả người làm giáo viên thì cũng là đang “sales” kiến thức, con chữ. Ngay cả các bạn chức danh là marketing thì bạn cũng là một “sales” về chiến lược marketing, về nội dung,… Bản chất chúng ta đều phải “sales” sức lao động, năng lực, khả năng, trí óc của bản thân để được trả lương. Kể cả khi bạn làm chủ một doanh nghiệp đi chăng nữa, bạn cũng là một kẻ thất bại nếu bạn không thể “sales” sản phẩm của doanh nghiệp mình đến khách hàng.

Vậy cốt lõi, tất cả chúng ta đều là sales. Nhưng mỗi người chúng ta “sales” một cái khác nhau.

4. Chia sẻ của người trong nghề

Nhung không biết các vị trí sales khác như thế nào. Nhưng để làm ở vị trí chuyên viên tư vấn du học thật sự không hề dễ dàng với Nhung. Chương trình Nhung sales có giá trị hàng trăm triệu đồng cho học phí và là vô giá khi nói về tương lai của rất nhiều học sinh. Nếu bạn ở cương vị là một phụ huynh, bạn có dám giao tương lai của con bạn cho một sales không kiến thức? Nên nếu đánh đồng tất cả các sales là người không có kiến thức và không có học vấn, Nhung KHÔNG ĐỒNG Ý.

Để được làm ở vị trí chuyên viên tư vấn du học, đại đa số (Nhung không dám đảm bảo 100%) các công ty tư vấn du học yêu cầu chuyên viên tư vấn du học phải có trình độ ít nhất Cử nhân 4 năm (Nhung là sinh viên khoa Ngôn ngữ Anh trường Đại học Sài Gòn với số điểm tốt nghiệp 3.45/4.0). Ngoài ra, để có khả năng đọc 100% các tài liệu bằng tiếng Anh, trao đổi về việc nhập học, xin học bổng của học sinh, các chuyên viên tư vấn du học hầu như đều phải có IELTS 6.0 trở lên (Nhung có IELTS 7.5 overall, không band nào dưới 6.5 và có band 8.0). Hơn thế nữa, để có thể làm hồ sơ xin thị thực du học, xin được trường, hoàn thiện các thủ tục theo pháp luật của các nước, các chuyên viên tư vấn du học còn phải tham gia các khóa nghiệp vụ tư vấn du học, hàng trăm giờ training với các trường cao đẳng- đại học từ các nước. Bên cạnh đó, ngày xưa CV của Nhung "ăn điểm" dù mới ra trường là nhờ vào bằng TESOL (Teaching English to speakers of other languages) của trường WestCliff University (Mỹ). Nghe thì mọi người nghĩ là không liên quan, nhưng thực ra khi làm tư vấn du học du học, bạn phải kiêm luôn việc luyện phỏng vấn xin thị thực (visa) cho học sinh. Chính bằng TESOL này đã trang bị cho Nhung những kỹ năng truyền đạt thông tin, soạn tài liệu, "luyện" học sinh một cách tốt nhất mà không hề áp lực. Sau này, quá trình luyện phỏng vấn xin thị thực giữa phụ huynh, học sinh và Nhung luôn nhanh chóng và đạt hiệu quả rất cao. Và hiển nhiên là còn rất nhiều yêu cầu khác như kinh nghiệm luyện phỏng vấn du học, xử lý kế hoạch học tập,… mà các chuyên viên tư vấn du học phải đáp ứng. 

Hơn thế nữa, nếu bạn chịu khó để ý bạn sẽ bắt gặp rất nhiều anh/chị là cựu du học sinh bậc đại học và thạc sĩ từ nhiều nước quay về Việt Nam làm ở vị trí chuyên viên tư vấn du học. Ví dụ chị Nguyễn Thị Phương Uyên (sếp của mình) là cựu du học sinh của Bắc Âu (Đan Mạch) chương trình MBA. Hay là chị Zee Hoàng, đại diện trường HTMi cũng từng là du học sinh Thụy Sỹ. Hay là team đại diện trường Deakin University tại Việt Nam, chị Thu Nguyễn Võ và chị Trang Nguyễn đều là cựu du học sinh Úc. Tất cả họ đều là những người có chức năng "sales". Nên NHUNG KHÔNG ĐỒNG Ý VỚI VIỆC SALES LÀ HỌC THỨC KÉM.

      Nhiều người cho rằng sales là chèo kéo. Công tâm nói các sales cũng cần phải làm việc, công việc của sales là tìm kiếm khách hàng, nên đôi khi họ chỉ là đang cố gắng quá mức cho công việc của họ. Chưa kể, nhiều công ty có chính sách “xào data” dẫn đến tình trạng data khách hàng cũ, data không có nhu cầu cũng cứ phải gọi hoài gọi mãi. Nhung còn biết rất nhiều công ty quy định mỗi ngày sales phải gọi bao nhiêu cuộc và đạt bao nhiêu giờ nghe máy, cũng rất áp lực. Tất cả chúng ta đi làm đều phải có KPI để đánh giá năng lực nên đôi khi hãy nên cảm thông cho những bạn sales một chút! Nhưng thật ra dạng telesales như thế này không áp dụng với quá nhiều lĩnh vực.

5. Nhung xử lý như thế nào với các sales “làm phiền quá mức”

Không thể chối cãi việc một số sales làm phiền chúng ta quá độ, dù chúng ta đã từ chối. Thông thường, Nhung không bao giờ trách bạn sales cả vì suy cho cùng bạn cũng chỉ đang làm công việc của bạn như cảnh sát giao thông thì cứ phải bắt người vậy.

Nhung chọn cách từ chối lịch sự “Nhung không có nhu cầu cho việc này, khi nào có nhu cầu Nhung sẽ chủ động tự liên hệ sau.” Nếu mà chính sách công ty “xào data” quá thì Nhung sẽ gọi trực tiếp lên hotline của công ty yêu cầu loại data của Nhung ra khỏi khách hàng vì nó gây khó chịu cho Nhung. Các bạn cũng nên biết bây giờ telesales mà không có sự đồng ý của khách hàng thì chúng ta có quyền được lên tiếng đấy!

Trong trường hợp chúng ta đã gọi lên Hotline công ty mà công ty ấy vẫn không ngừng làm phiền thì hãy sử dụng hỗ trợ của các nhà mạng và cục An toàn thông tin về việc gọi quảng cáo gây làm phiền. “Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) là nơi tiếp nhận và tổng hợp "Danh sách không quảng cáo" thông qua tổng đài 5656. Tức là nếu bạn tham gia vào danh sách này, thì toàn bộ các thuê bao nằm trong diện tin nhắn, cuộc gọi rác sẽ không thể làm phiền bạn được nữa.” (Trích Sở Thông tin – Truyền thông). Đường link bài đăng chi tiết tại đây. 

Hy vọng rằng sau bài viết này, chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan hơn về nghề sales. Là một người có tư duy và năng lực suy xét, chúng ta hãy cùng nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và đa chiều.

Cảm ơn bạn đã đọc đến đây dù nó rất dài. Chúc bạn nhiều niềm vui và thành công trong cuộc sống.

 

 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

[TRUNG QUỐC] Các ngành cấp học bổng tại Đại học Thành Đô

[Canada] THÔNG TIN NGÀNH DENTAL HYGIENE